Bắc Bling 'bao nhiêu triệu views rồi?'

27/03/2025
|
0 lượt xem
Góc Nhìn Văn Hóa & Lối Sống
Bắc Bling 'bao nhiêu triệu views rồi?'

Tôi rất thích khoảnh khắc này, diễn ra bên lề Chương trình đối thoại với thanh niên tiêu biểu vào chiều 24/3. Trước đó, trong bài phát biểu, Thủ tướng đã lấy ví dụ về ca khúc Bắc Bling như một sản phẩm góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Với 94 triệu lượt xem tính đến chiều 27/3, MV của Hòa Minzy chỉ còn một chặng ngắn nữa để đi đến con số 100 triệu views như lời chúc của Thủ tướng. Đây là cột mốc không dễ đạt được với các nghệ sĩ Việt Nam - đặc biệt là với những sản phẩm khai thác các giá trị văn hóa cổ truyền.

MV Bắc Bling lấy cảm hứng từ quan họ Bắc Ninh, sử dụng nhiều loại nhạc cụ dân tộc như đàn nguyệt, sáo, nhị, trống nhưng được phối khí theo phong cách mới, tiết tấu nhanh. Bắc Bling còn lồng ghép những loại hình ca hát đặc trưng của Bắc Bộ như xẩm và chèo, lời hát được lẩy từ các câu ca dân gian như "Ăn một miếng trầu" và "Người ở đừng về".

Sau thành công của các chương trình âm nhạc như Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai "say hi"... Bling của Hòa lại vừa lấp lánh lên một chút hy vọng về tương lai của công nghiệp văn hóa của Việt Nam - lĩnh vực được định hướng trở thành một trong những mũi nhọn tăng trưởng mới của nền kinh tế, đóng góp 7% GDP vào năm 2030 và 8% vào năm 2035.

Công nghiệp văn hóa Việt Nam hiện đóng góp khoảng 4% vào GDP và tạo ra khoảng một triệu việc làm. Ngoài âm nhạc, một số lĩnh vực như nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và trò chơi giải trí... cũng đang từng bước tiến ra thế giới.

Nhưng bài học từ sự trỗi dậy của nền công nghiệp văn hóa ở các quốc gia gần gũi như Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn khiến tôi băn khoăn: làm sao để những thành công này không phải là hiện tượng đơn lẻ; tạo ra hệ sinh thái đa ngành như thế nào để hỗ trợ và tận dụng tốt hiệu ứng từ các sản phẩm văn hóa; cần chiến lược quốc gia chủ động nào thay vì trông chờ vào nỗ lực của cá nhân?

Một bản hit của nhóm nhạc BTS Hàn Quốc có thể tạo ra hơn 7.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp. Thành công của bộ phim Na Tra: Ma đồng náo hải mang về cho thị trường nội địa Trung Quốc doanh thu khoảng 13,7 tỷ NDT (tương đương 1,88 tỷ USD) và xấp xỉ 2,1 tỷ USD toàn cầu. Phim còn giúp gia tăng mạnh lượng khách trải nghiệm du lịch văn hóa tại các địa danh liên quan đến nhân vật Natra như Tứ Xuyên (tăng 34%), Thiên Tân (30%) và Hà Nam (13,2%)...

Sau khi MV Bắc Bling ra mắt, chính quyền tỉnh Bắc Ninh cũng nhanh chóng tận dụng hiệu ứng này để kích cầu du lịch, triển khai các chương trình miễn phí vé xe buýt nội tỉnh và các tour du lịch tham quan di sản, văn hóa... Nhưng nếu hoạt động này được lên kế hoạch sớm, chủ động hơn, thậm chí là được xây dựng song song với quá trình sản xuất MV của ê-kíp, tôi tin hiệu quả sẽ lớn hơn, bao trùm nhiều lĩnh vực. Ẩm thực, thời trang hay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ dân gian cũng sẽ được quảng bá và tiêu thụ rộng rãi.

Năm 2024, tại Trung Quốc, game Hắc Thần Thoại: Ngộ Không đã trở thành một trong những trò chơi điện tử ăn khách nhất mọi thời đại với 10 triệu bản bán ra trong 3 ngày. Thành công của Hắc Thần Thoại đã gián tiếp giúp tỉnh Sơn Tây - nơi có 27 trong số 36 địa điểm trong bối cảnh trò chơi - trở thành điểm nóng về du lịch.

Theo dữ liệu từ nền tảng du lịch Tuniu, lượng khách đến Sơn Tây trong tháng 8 tăng 50% so với tháng 7 và lượng đặt phòng cũng tăng gấp đôi.

Đây không phải là một may mắn ngẫu nhiên của chính quyền tỉnh Sơn Tây. Họ đã cùng đơn vị sản xuất lên kế hoạch trước đó ba năm và gọi đây là sự hợp tác "hai chiều". Vào ngày trò chơi ra mắt, tài khoản chính thức của Sở Văn hoá và Du lịch tỉnh Sơn đăng bài viết mời du khách "theo dấu chân Ngộ Không du ngoạn Sơn Tây". Bất cứ khi nào game này có hoạt động quảng bá, Sở sẽ phát hành video quảng cáo các tài nguyên di tích văn hoá và lịch sử của địa phương. Hai ngày sau khi trò chơi ra mắt, Sở Văn hoá và Du lịch tỉnh Sơn Tây mở luôn ba tuyến chủ đề và tour du lịch 8 ngày kết nối các địa điểm có thật của Sơn Tây với địa điểm được giới thiệu trong trò chơi. Chiến lược đó giúp Sơn Tây có kết quả đột phá trong phát triển ngành du lịch và giới thiệu đặc sắc văn hoá địa phương.

Việt Nam không thiếu tài năng, càng không thiếu chất liệu văn hóa độc đáo có sức hấp dẫn mạnh mẽ với khán giả trong và ngoài nước. Điều chúng ta cần là một chiến lược dài hơi, bài bản, để những sản phẩm như Bắc Bling không chỉ là thành công ngẫu nhiên mà trở thành những "thành tựu trong kế hoạch".

Muốn vậy, không thể chỉ đặt kỳ vọng lên vai các nghệ sĩ đơn lẻ. Cần có sự phối hợp nhiều bên để hình thành nên một hệ sinh thái vững chắc, hướng tới mục tiêu win - win cho nhiều phía: chủ thể sáng tạo - du lịch địa phương - doanh nghiệp nội địa. Khi âm nhạc, điện ảnh, thời trang, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ được kết nối, chúng sẽ cộng hưởng, tạo ra giá trị vượt xa lượt views.

Và không bao giờ là quá muộn. Bắc Bling chính là một sự "lấp lánh" (như Hòa Minzy giải thích), dễ thấy để nhìn ra các cơ hội phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

Trần Thị Thủy

Tin liên quan
Tin Nổi bật