Uống rượu, bia làm tăng nồng độ vi khuẩn xấu trong miệng. Thức uống có cồn còn gây ra triệu chứng trào ngược axit, đưa mùi hôi của thức ăn lên men trong dạ dày đến thực quản, ngược lên cổ họng tạo ra mùi hơi thở. Dưới đây là một số cách giảm tình trạng này.
Uống đủ nước
Rượu, bia có thể gây khô miệng, khiến hơi thở có mùi hôi do thiếu nước bọt. Uống nhiều nước để miệng sản xuất đủ nước bọt tiêu hóa thức ăn mà còn làm sạch các chất cặn bã, vi khuẩn khỏi miệng. Tránh thức uống có gas, đường bổ sung.
Thức uống từ gừng, rau xanh, quế, bạc hà hay nước ép cam, dứa có thể tạm thời giảm mùi hôi miệng. Polyphenol là chất chống oxy hóa trong trà xanh cũng có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn có hại, bảo vệ răng miệng. Vitamin C trong nước ép cam, chanh, quýt giúp tăng sản xuất nước bọt, có thể khắc phục tình trạng khô miệng gây mùi. Ưu tiên loại nước cam không đường để tăng hiệu quả. Tránh thức ăn như tỏi, hành, gia vị mạnh vì có thể làm tăng mùi hôi trong hơi thở.
Dùng nước súc miệng
Phương pháp này góp phần giúp hơi thở thơm mát sau khi sử dụng rượu, bia. Nước súc miệng làm sạch mảng bám, mảnh vụn thức ăn còn sót lại giữa kẽ răng, ngăn sâu răng. Dùng nước súc miệng có hương vị bạc hà kết hợp vệ sinh răng miệng khác như đánh răng, dùng chỉ nha khoa. Người bị viêm nướu, vết loét trong miệng, lưỡi hãy chọn loại nước súc miệng không chứa cồn để tránh làm đau rát, khô miệng. Mỗi người cần đọc kỹ các thông tin của sản phẩm để biết thành phần của có phù hợp với tình trạng răng miệng hay không.
Lưỡi là nơi trú ngụ của vi khuẩn. Do đó, vệ sinh lưỡi có tác dụng giảm mùi hôi từ hơi thở. Bạn nên sử dụng dụng cụ cạo lưỡi hoặc bàn chải đánh răng tích hợp dụng cụ làm sạch bộ phận này.
Dùng kẹo cao su
Nhai kẹo cao su không đường sau khi uống rượu là cách tạm thời giảm hơi thở có mùi. Khi nhai kẹo, nước bọt trong khoang miệng được tiết ra nhiều hơn. Lượng nước bọt này chống khô miệng, có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, giúp trung hòa, rửa trôi axit gây hại từ thực phẩm, ngăn mùi hôi miệng do vi khuẩn.
Tùy thuộc vào thể trạng, loại đồ uống, liều lượng mà có thể mất từ một giờ đến một ngày để cơ thể đào thải độc tố ra ngoài, hết hôi miệng.
Lê Nguyễn (Theo Healthline)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp