Phương pháp điều trị các loại viêm gan virus

07/03/2025
|
0 lượt xem
Các Bệnh Gan Mật Tụy Sức Khỏe Tiêu Hóa
Phương pháp điều trị các loại viêm gan virus

Viêm gan là tình trạng các mô tế bào gan bị viêm và tổn thương, do virus truyền nhiễm hoặc không truyền nhiễm gây ra. Virus truyền nhiễm gồm 5 chủng chính là virus viêm gan A, B, C, D và E. Mỗi loại có con đường lây nhiễm riêng, mức độ tiến triển và khả năng điều trị khác nhau. Nguyên nhân gây viêm gan không truyền nhiễm gồm viêm gan do rượu, viêm gan do rối loạn chuyển hóa, viêm gan tự miễn, viêm gan do nhiễm độc (hóa chất, thuốc, chất độc...).

Theo thời gian mắc bệnh, viêm gan được chia thành viêm gan cấp tính (mắc bệnh dưới 6 tháng) và mạn tính (trên 6 tháng). BS.CKI Hoàng Đình Thành, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh cấp tính thường đơn giản và có thể tự khỏi. Viêm gan mạn tính có nguy cơ cao biến chứng, người bệnh có thể phải điều trị suốt đời. Tùy vào nguyên nhân và giai đoạn bệnh mà phương pháp điều trị khác nhau.

Viêm gan A chủ yếu lây truyền qua đường tiêu hóa hay đường phân - miệng, phổ biến hơn ở nơi có điều kiện vệ sinh thực phẩm kém. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng vài tuần đến vài tháng. Hiện không có cách điều trị cụ thể, người bệnh cần nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống vệ sinh, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, ăn đủ chất dinh dưỡng để cơ thể nhanh hồi phục, tăng khả năng đào thải virus.

Bác sĩ Thành tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Viêm gan B lây truyền qua máu, từ mẹ sang con và quan hệ tình dục không an toàn. Bệnh có khả năng tiến triển mạn tính, cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây xơ gan, ung thư gan, tử vong liên quan đến viêm gan do virus.

Viêm gan B cấp tính có thể tự khỏi khi được phát hiện sớm. Bác sĩ hướng dẫn người bệnh nghỉ ngơi tại nhà, ăn uống đủ chất để chống lại nhiễm trùng. Trường hợp diễn tiến nặng, người bệnh có thể cần dùng thuốc kháng virus. Đa số là điều trị suốt đời để giảm nguy cơ biến chứng xơ gan, ung thư gan và phòng ngừa lây nhiễm cho người khác. Trường hợp gan tổn thương nghiêm trọng, người bệnh có thể phải ghép gan một phần hoặc toàn bộ lá gan.

Người nghi ngờ bản thân tiếp xúc với virus viêm gan B mà chưa tiêm phòng vaccine, chưa có miễn dịch chống viêm gan B cần đến ngay cơ sở y tế để được tiêm globulin miễn dịch trong vòng 12 giờ sau khi tiếp xúc, ngăn ngừa mắc bệnh.

Viêm gan C có thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc kháng virus. Đến nay, viêm gan C chưa có vaccine phòng bệnh. Bác sĩ Thành cho hay người bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng nên dễ bỏ lỡ điều trị, khiến bệnh tiến triển thành mạn tính.

Viêm gan D được điều trị khi mạn tính. Viêm gan D do virus viêm gan D gây ra và nhân lên dựa vào virus viêm gan B (HBV). Tiêm vaccine viêm gan B góp phần ngăn ngừa viêm gan D.

Viêm gan E do virus lây nhiễm qua đường vệ sinh thực phẩm. Bệnh nhiễm trùng nhẹ và có thể tự khỏi. Một số người có cơ địa suy giảm miễn dịch, HIV/AIDS, suy kiệt... mắc viêm gan E có thể trở thành mạn tính. Hiện chưa có vaccine phòng viêm gan E.

Bác sĩ Thành khuyến nghị người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị, không tự ý sử dụng các loại thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc... Tuân thủ tái khám và xét nghiệm định kỳ để kiểm tra chức năng gan và xác định nồng độ virus (trường hợp viêm gan do virus) trong cơ thể.

Người bệnh viêm gan B mạn tính có thể cần uống thuốc suốt đời. Không nên tự ý bỏ điều trị vì có thể khiến tải lượng virus tăng lại, ảnh hưởng đến cơ thể, nguy cơ lây nhiễm. Thai phụ mắc bệnh viêm gan, nhất là viêm gan do virus, cần theo dõi thai kỳ chặt chẽ, tránh lây nhiễm cho thai nhi.

Thảo Nhi

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật