0h ngày 26/3, trước cổng trung tâm đăng ký visa Hàn Quốc trên đường Điện Biên Phủ (quận 3), hàng chục người đã đến chờ bốc số xin visa đi lao động thời vụ, thăm người thân. Do lo ngại đông đúc trong mùa cao điểm, nhiều người từ các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ đến đây chờ từ đêm hơn trước đến giờ làm việc lúc 8h30.
Anh Nguyễn Quốc Sơn có mặt lúc 23h30 sau đó được phát phiếu số 1. Ảnh: Đình Văn
Là người xếp hàng đầu tiên, anh Nguyễn Quốc Sơn, 37 tuổi, cho biết chở vợ từ Bình Dương lên đến nơi lúc 23h30 để chờ bốc số. Trước đó, hai vợ chồng đã đi khám sức khỏe, chuẩn bị giấy tờ cần thiết để xin qua tỉnh Sangju trồng nho, nhân sâm theo diện được em gái bảo lãnh.
Năm ngoái, anh Sơn nghỉ làm công nhân để đi lao động ở Hàn Quốc trong 8 tháng với mức lương hơn 40 triệu đồng. Thấy có dư so với công việc ở Việt Nam, lần này anh và vợ quyết định cùng xuất ngoại. "Nhiều người cũng xin visa đợt này nên hai vợ chồng phải đến sớm, đợi đến sáng là không kịp", anh Sơn nói.
Lẫn trong đám đông chờ bốc số, bà Nguyễn Thị Thương cho biết từ Bạc Liêu lên TP HCM và đã đợi nhiều giờ. Bà có cháu gái lấy chồng ở Hàn Quốc nên bảo lãnh sang để làm trang trại trồng rau. Do hôm trước đến vào buổi sáng chờ đến chiều vẫn không tới lượt để làm hồ sơ, bà đã đi từ rạng sáng để xếp hàng.
Đến 1h30, bảo vệ của trung tâm sẽ phát số thứ tự, ghế cho người dân ngồi đợi. Theo nhân viên bảo vệ, mỗi đêm trung tâm sẽ phát 180 số thứ tự cho người dân để làm thủ tục xin visa. Tuy nhiên, do là mùa cao điểm nên số lượng phát ra không đủ đáp ứng nhu cầu.
Người phụ nữ 50 tuổi cho biết năm ngoái bà từng xuất ngoại để làm nông nghiệp thời vụ trong 5 tháng. Thấy điều kiện công việc ổn định, thu nhập tốt hơn khi làm ở trong nước nên bà tiếp tục xin visa để sang Hàn Quốc. "Ở bên đó thời tiết rất lạnh ban đầu không quen nhưng bù lại làm có dư hơn lại được ở cùng nhà người thân nên không còn nhiều chi phí sinh hoạt, ăn uống", bà Thương nói.
Nhiều người chờ đợi từ nửa đêm lấy số thứ tự làm thủ tục xin visa Hàn Quốc, ngày 26/2. Ảnh: Đình Văn
Lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm thời vụ bắt đầu được triển khai từ năm 2018 bằng Nghị quyết 13 của Chính phủ. Theo đó, hai nước cho các địa phương được ký kết trực tiếp với nhau và chỉ được đưa, tiếp nhận lao động trong phạm vi quản lý của mình.
Ông Phạm Viết Hương, Cục phó Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ), cho biết sau hơn 5 năm triển khai đến nay đã có 17 tỉnh, thành của Việt Nam ký kết với các địa phương Hàn Quốc để lao động sang làm việc thời vụ thời hạn từ 3 đến 11 tháng, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp mang tính chất mùa vụ.
Số lượng lao động thời vụ tăng dần qua các năm, đơn cử năm 2022 có 433 người đi theo diện này thì đến năm 2022 tăng lên 1.840 người và con số của năm ngoái là 2.157. Phân tích nguyên nhân, ông Hương cho rằng phía Hàn Quốc rất cần nhân công trong khi đó nhu cầu đi làm của lao động Việt Nam rất lớn. Công việc trong lĩnh vực nông nghiệp không cần trình độ ngoại ngữ như lao động dài hạn hoặc các kỹ năng làm việc khá đơn giản nhưng thu nhập tốt, độ tuổi cũng mở từ 30-55.
Bên cạnh lao động thời vụ được các địa phương đưa đi, hiện nay phía Hàn Quốc cho phép cô dâu, lao động có visa cư trú dài hạn được bảo lãnh người thân sang làm việc. Lao động thuộc diện được cô dâu bảo lãnh khá rộng lên đến 3 đời, tức những người cùng hàng ông bà, cha mẹ, cô dì, cháu... sẽ được bảo lãnh.
Đồng Tháp là một trong 4 địa phương đầu tiên ký kết đưa lao động thời vụ sang Hàn Quốc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh, cho biết ban đầu lao động chỉ sang làm được 3 tháng (visa C4) nhưng đến nay đã tăng thời hạn lên 5, 8, 11 tháng (visa E8). Địa phương đã ký kết với huyện Yeoncheon, tỉnh Gyeonggi và huyện Cheorwon, tỉnh Gangwon và đang xúc tiến để ký tiếp với một địa phương khác của Hàn Quốc.
Theo bà Tuyết, vài năm trở lại đây nhu cầu lao động sang Hàn Quốc làm thời vụ tăng nhanh. Năm nay, tỉnh dự kiến đưa đi 554 lao động, gấp đôi số lượng năm ngoái. Ngoài lao động tỉnh đưa đi, nhiều trường hợp được người thân, chủ yếu là cô dâu lấy chồng Hàn Quốc bảo lãnh sang.
Phân tích nguyên nhân lao động thời vụ sang Hàn Quốc tăng cao, lãnh đạo Sở Nội vụ Đồng Tháp nêu ngoài các yếu tố thu nhập, chi phí ban đầu thấp, từ năm 2023 đến nay địa phương ghi nhận người mất việc tăng, đặc biệt công nhân đi làm ở các tỉnh Đông Nam Bộ trở về. Khi tiếp nhận, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh sẽ phân theo độ tuổi để giới thiệu việc làm phù hợp. Trường hợp 35-45 tuổi được ưu tiên giới thiệu sang Hàn Quốc làm thời vụ. Ngoài ra, do đặc điểm làm việc mùa vụ nên dịp đầu năm (từ tháng 1-5) là lúc lao động xuất ngoại nhiều nhất, vừa đủ thời gian về lại Việt Nam trước Tết, nghỉ ngơi vài tháng và quay lại vào năm sau.
Lao động của Đồng Tháp chăm sóc dưa leo ở Hàn Quốc. Ảnh: Minh Tuyết
Lao động làm ở các nông trại Hàn Quốc với công việc là trồng hoặc thu hoạch nông sản. Họ sẽ bỏ chi phí vé máy bay, làm visa, bảo hiểm du lịch, tỉnh hỗ trợ chi phí học ngoại ngữ, khám sức khỏe... Thu nhập bình quân mỗi tháng của lao động quy đổi sang tiền Việt khoảng 40 triệu đồng. Bên sử dụng lao động hỗ trợ chỗ ở, phương tiện sinh hoạt, lao động bỏ chi phí mua thực phẩm. Sau khi trừ các chi phí, mỗi tháng dư được 30 triệu đồng. Nhiều trường hợp đi cả vợ chồng, sau 8 tháng dư được gần nửa tỷ đồng.
Nhiều năm nghiên cứu về thị trường và lao động Việt Nam sang Hàn Quốc, thạc sĩ Nguyễn Nam Cường, Nghiên cứu sinh Địa lý Nhân văn tại Học viện Hàn Quốc học AKS, cho biết năm 2021, Bộ An ninh Hành chính Hàn Quốc công bố 89 vùng của nước này đang suy giảm dân số, tức trên 20% ở độ tuổi trên 65 và thúc đẩy các quỹ hỗ trợ, giải pháp ngăn ngừa rủi ro "tuyệt chủng dân số". Do đó, những cô dâu ở các vùng này được bảo lãnh người thân sang Hàn làm việc thời vụ.
Ông Nguyễn Như Tuấn, Phó phòng Hàn Quốc - Tây Á - châu Phi (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Nội vụ), khuyến cáo lao động muốn sang Hàn Quốc làm việc cần tìm hiểu kỹ danh sách 17 tỉnh được phép đưa đi. Ngoài ra, nhiều trường hợp lợi dụng chính sách cho phép người thân bảo lãnh đã lừa nhiều người muốn đi Hàn, đóng hàng trăm triệu đồng nhưng cuối cùng không xuất cảnh được.
"Lao động đi làm thời vụ chỉ tốn tiền vé máy bay, phí làm visa, bảo hiểm du lịch, nếu cao hơn cần cảnh giác và liên hệ ngành chức năng để được tư vấn", ông Tuấn khuyến cáo.
Đình Văn – Lê Tuyết